Kế Hoạch Giao Dịch

Kế Hoạch Giao Dịch

Bạn phải có một kế hoạch giao dịch nếu thực sự muốn trở thành một trader. Tại sao tôi lại nói với bạn điều này, có phải tôi đã quá đề cao chuyện này hay không? Hãy cùng nhau nói về nó trong bài viết này nhé.

———————

Những lúc tôi có thời gian rảnh rỗi, tôi thường hay lang thang trên các nhóm facebook mà tôi tham gia để xem hiện tại mọi người đang suy nghĩ hay hành động gì. Và một trong những câu hỏi tôi thấy nhiều nhất đó là “em đang có XXX tiền, em nên đầu tư vào coin nào ạ?”, “nếu đầu tư thì nên hold coin nào thì an toàn hả mọi người ” hay “em đang có ý định chơi coin, ac nào có kinh nghiệm hướng dẫn em cái” và … những câu hỏi khác đại loại như thế.

Nhưng khi tôi gặp những câu hỏi như vậy tôi luôn tự hỏi rằng là: “liệu bạn này đã có một kế hoạch chưa nhỉ?”

Tôi luôn quan niệm thế này,

Giao dịch là một cái gì đó rất riêng, rất cá nhân và nó phù hợp với tôi hoặc bạn theo một cách nào đó. Hơn thế nữa, đây thực sự là một nghề kinh doanh chứ không chỉ là hời hợt trong việc mua đi bán lại một cái gì đó qua màn hình máy tính.

Nếu bạn là người thích đọc sách và đam mê với nghề giao dịch này thì ắt hẳn đã nghe qua hay đã đọc qua seri “Phù thủy thị trường” của Jack Schwager thì đều thấy rõ ràng là các nhà đầu tư hay nhà giao dịch vĩ đại đều có phong cách tiếp cận những cơ hội trên thị trường hoàn toàn khác nhau, nhưng có một điểm chung giữa họ mà tôi có thể thấy đó là họ cảm thấy phù hợp hay ổn với kế hoạch giao dịch như vậy.

Bạn đã hiểu hơn một chút rồi chứ, công việc giao dịch này là một nghề kinh doanh thực sự và đã là kinh doanh thì chúng ta phải có một kế hoạch đúng đắn, hơn thế nữa nó phải phù hợp với chính bản thân mình.

lập kế hoạch giao dịch

Tại Sao Phải Có Một Kế Hoạch Giao Dịch

Tôi sẽ giải thích cho bạn hiểu tại sao nên có một kế hoạch giao dịch.

Lý do 1: Bạn cần phải có một điều gì đó để đi đúng hướng

Sự kiên định và kỷ luật là rất quan trọng trong giao dịch. Những thủ tục giao dịch bạn đặt ra cho chính mình giúp bạn đánh giá trung thực nhất về độ thành công của bạn như là môt nhà giao dịch thực thụ.

Nếu bạn có một kế hoạch giao dịch hoàn chỉnh, nhưng cũng chính bạn lại luôn vi phạm nguyên tắc giao dịch của chính mình thì làm sao bạn có thể biết hệ thống của bạn hoạt động tốt như thế nào? Chính kế hoạch giao dịch sẽ giúp bạn kiên định với mục tiêu đó.

Hãy đọc nó mỗi ngày và tuân thủ theo nó nhé.

Lý do 2: Bạn phải hiểu đây là một nghề kinh doanh và để thành công trong kinh doanh luôn luôn phải có một kế hoạch

Bạn hãy nhìn ra ngoài kia, những thương hiệu những nhãn hàng bạn ăn hay sử dụng thường ngày. Bạn có nghĩ họ bước chân đến thành công như ngày hôm này mà không có một kế hoạch nào cả không?. Bạn có nghĩ rằng Walmart, amazon được tạo dựng trên một ý tưởng bất chợt và sau đó trở nên thành công một cách kỳ diệu.

Hay McDonald’s, bạn biết nó chứ?  Tôi dám cá rằng bạn có thể tự làm một cái bánh hamburger ngon hơn cái mà bạn mua ở cửa hàng của McDonald’s nhưng bạn không thể tạo nên một đế chế như nó đâu. Bạn thấy rồi chứ, sự khác biệt rõ ràng ở đây là họ phải có một kế hoạch kinh doanh đúng đắn và thành công, nó giúp họ đạt đến đỉnh cao như bạn thấy ngày hôm nay.

Hãy liên hệ nó với công việc giao dịch của chúng ta, với một thực tế là dù bạn bằng may mắn hay kinh nghiệm chúng ta đều có thể kiếm được tiền trên thị trường. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa một nhà giao dịch thành công và một nhà giao dịch thất bại chính là KẾ HOẠCH GIAO DỊCH. 

Bạn có một kế hoạch tốt, luôn tuân thủ nó vậy thì bạn có cơ hội đi đến thành công trong nghề này rồi đó.

Sao nào, đến đây ban đã hiểu tại sao nên có một kế hoạch giao dịch rồi chứ. Ở phần tiếp theo, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những gì tạo nên một kế hoạch giao dịch nhé.

kế hoạch giao dịch cần có gì

Kế Hoạch Giao Dịch Cần Có Những Gì?

Ở phần này tôi sẽ nói lý thuyết hơi nhiều và có phần nhàm chán về nội dung, tuy nhiên nó cũng không thiếu phần quan trọng để bạn có thể định hình ra khung công việc của một nhà giao dịch sẽ là như thế nào?

Tôi luôn nói rằng sự phù hợp là tối quan trọng, bạn có thể không hiểu tại sao tôi luôn nhấn mạnh điều đó.

một sự thật là khi bạn hay tôi tham gia thị trường thực chất chỉ là chúng ta ngồi đó, nhìn biểu đồ qua màn hình máy tính, ở đó chỉ có mình bạn với tư duy của bạn.

 Bạn có thể làm nó đơn giản hoặc phức tạp tùy vào ý muốn của bạn, nhưng hãy luôn nhớ điều quan trọng nhất là phải tuân thủ theo kế hoạch bạn đã thiết kế cho-riêng-mình.

Tôi sẽ gợi ý cho bạn một số phần nên có trong một kế hoạch giao dịch. Đây là chia sẻ của một bậc thầy giao dịch mà tôi lưu chú lại từ rất lâu trước kia, tôi cũng không nhớ rõ là ai nhưng những chia sẻ của ông với tôi nó vẫn có giá trị cho đến hiện tại.

Dưới đây là một số điều cần thiết trong mỗi kế hoạch giao dịch mà bạn nên có.

1. Hệ thống giao dịch (trading system)

Đây chính là trái tim của kế hoạch giao dịch. Kế hoạch giao dịch bao gồm tất cả thông tin cần thiết của hệ thống như : các khung thời gian sử dụng, điều kiện mở và đóng giao dịch, mức độ mạo hiểm chấp nhận (risk) cho mỗi giao dịch, đồng coin bạn theo dõi và khối lượng sẽ là bao nhiêu cho mỗi lần vào lệnh.

2. Thủ tục giao dịch

Đây là phần bạn phải xác định rõ 3 yếu tố rất quan trọng trước khi bạn ra quyết định.

  • khi nào bạn sẽ phân tích thị trường và lập kế hoạch cho các giao dịch của bạn.
  • khi nào bạn sẽ theo dõi thị trường để thực hiện các giao dịch.
  • khi nào bạn sẽ đánh giá lại các giao dịch của bạn.

3. Suy nghĩ của bạn

Một việc khó khăn nhất khi bạn hỏi bất cứ một nhà giao dịch nào đó chính là loại bỏ cảm xúc của chính mình khỏi các giao dịch. Phần này trong kế hoạch giao dịch sẽ mô tả phạm vi suy nghĩ của bạn trước khi thực hiện giao dịch.

Tôi nghĩ đây là phần khó nhất trong một kế hoạch giao dịch bởi vì chúng ta luôn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những gì đã xẩy ra quanh ta hằng ngày, những điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ của ta và phần lớn sai lầm đều xuất phát từ đây những suy nghĩ của chính ta.

4. Các khuyết điểm của bạn

Tất cả chúng ta đều có những khuyết điểm. Chỉ là ta không thích nói về khuyết điểm của mình. Nhưng hãy tự hỏi bạn điều này : “Bạn làm sao tiến bộ hơn nếu bạn không chấp nhận bạn cần phải tiếp tục làm gì?”

Phần này sẽ là cách khách quan giúp bạn theo dõi những gì bạn cần phải tiếp tục làm để trở thành một nhà giao dịch giỏi hơn.

Ví dụ :

  • Tôi là một người hay cay cú. Bất cứ khi nào tôi thất bại trong một giao dịch, tôi sẽ bị rối loạn và ngay lập tức cố gắng “gỡ gạc”.
  • Tôi có xu hướng đóng các giao dịch sớm.
  • Tôi không luôn luôn tuân thủ các nguyên tắc của system.
  • Tôi không luôn luôn tuân thủ các nguyên tắc quản lý tiền.

5. Mục tiêu của bạn

Tôi biết mục tiêu “Kiếm thật nhiều tiền” luôn là ưu tiên đầu tiên khi bạn bắt đầu tham gia vào con đường này. Nếu tôi bảo với bạn rằng mục tiêu này không phải là mục tiêu đúng đắn, chắc hẳn rất nhiều bạn sẽ cho rằng đây là một điều vớ vẩn, không vì tiền thì vì cái gì đúng không?

Nào chúng ta hãy ngồi xuống và suy nghĩ thật kỹ hơn về nó nhé.

Như tôi đã chia sẽ với bạn trong những bài viết trước, điều gì cần thiết để trở thành một nhà giao dịch đúng nghĩa. Nói thật với bạn, đây không phải là công việc mà ai cũng có thể thích nghi và đi lâu dài với nó được. Tại sao ư? hãy bắt đầu với những câu hỏi như thế này:

  • Bạn có muốn kiếm sống bằng nghề giao dịch không?
  • Bạn thực sự mong đợi có thể kiếm được bao nhiêu từ việc giao dịch dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của bạn?. Nếu bạn không có 2 điều trên hoặc mơ hồ về nó thì khả năng mất tiền của bạn là rất cao.

Còn rất nhiều những câu hỏi khác mà bạn phải tự hỏi mình.

Với tôi việc kiếm được nhiều tiền không phải là mục tiêu hàng đầu, và tôi cũng mong rằng bạn sớm nhận ra được điều này.

6. Lập nhật ký giao dịch

Đây sẽ là một công cụ hữu ích mà hầu hết tất cả các nhà giao dịch đều khuyên nên sử dụng nó thường xuyên. Hãy đảm bảo rằng bạn đã ghi lại tất cả các giao dịch của mình và tại sao bạn lại thực hiện các giao dịch đó. Nhờ vậy bạn sẽ có một cái nhìn chi tiết hơn về mức độ tiến bộ của mình.

Công cụ này sẽ giúp bạn rất nhiều trên con đường trở thành một nhà giao dịch chuyên nghiệp, vì vậy hãy dành vài phút mỗi ngày để ghi lại các giao dịch của bạn.

Đọc đến đây chắc chắn bạn đã chán ngấy những lý thuyết cũ rích và chẳng mấy mang lại lợi ích gì như này rồi đúng không? Phần tiếp theo tôi sẽ cho bạn một số thông tin về những điều tôi làm thường ngày trong kế hoạch giao dịch của tôi.

kế hoạch giao dịch của tôi

Kế Hoạch Giao Dịch Của Tôi

Ở bài viết trước, tôi có chia sẽ tầm quan trọng của việc tạo ra những thói quen tốt cho bản thân mình trước, trong và sau khi tham gia vào thị trường. Trong phần này, tôi sẽ đi sâu hơn vào chi tiết những điều tôi làm hằng ngày với kế hoạch giao dịch của mình.

1. Kế hoạch của tôi như thế nào?

Sau khi ngủ dậy và làm xong việc cá nhân. Tôi tập thể dục và ăn sáng sau đó. Làm một vài công việc theo thói quen hằng ngày trước khi bắt đầu ngồi vào máy tính.

Trước hết, tôi xem qua những tin tức nổi bật của ngày hôm trước, để xem mọi người đang nói chuyện gì với nhau. Sau đó quay trở lại với việc nhìn biểu đồ và một số thông tin khác mà tôi quan tâm. Ngoài những biểu đồ giá của những đồng coin tôi đang theo dõi thì tôi còn theo dõi thêm nhiều các biểu đồ khác như: Cryptocap, BTC Cryptocap, Domain BTCCAP, Crypto Fear & Greed Index, Money flow, Crypto flow, Top 20 crypto currencies by 24h volume, 24h Inflows/Outflows

Nhìn thì có vẻ nhiều như vậy nhưng nếu bạn ngày nào cũng xem chúng thì thời gian cũng không mất quá nhiều, tuy nhiên việc sắp xếp lại những thông tin đó để chúng trở nên có ích là một chuyện tương đối khó khăn nếu bạn không làm nó một cách thường xuyên và đều đặn.

Dù có vào lệnh hay không vào lệnh tôi cũng chuyển qua làm việc khác, thường là tôi bắt đầu viết, dịch, đọc sách hoặc đi tập gym (bạn nến nhớ rằng tâm trạng của bạn như thế nào ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả của bạn ngày hôm đó).

Buổi trưa, sau khi ăn cơm xong tôi thường đọc sách hoặc tiếp tục viết hay dịch những gì chưa xong buổi sáng. Tôi cho mình một giấc ngủ trưa để lấy lại năng lượng. Quay trở lại với thị trường tầm khoảng 3h chiều xem có gì mới hơn buổi sáng hay không, nếu không có gì tôi sẽ chuyển qua các kế hoạch khác.

Bạn thấy đó, tôi không ngồi cả ngày để tìm kiếm một điều gì chắc chắn không có ở đó. Nếu có điều gì làm tôi lưu ý trước trong biểu đồ hoặc trong kênh tin tức thì tôi sẽ tiếp tục lưu ý về nó trong khoảng thời gian tiếp theo.

Và nếu bạn là người mới bước chân vào nghề giao dịch này thì sẽ có ảo tưởng về sự hoành tráng của nó, sự thật nó không phải như thế đâu hãy bỏ ảo tưởng đó đi. Giao dịch là một nghề rất nhàm chán, hầu như cứ lặp đi lặp lại một vài điều trong thời gian dài. Như vậy đó bạn ạ.

2. Cách tôi phân tích và thiết lập lệnh

Phân tích

Hãy tập trung quan sát ở các khung 4h, 1D, 1W đừng có nhìn quá nhiều vào những đụm sóng nhỏ ở khung 1h, 30m, 15m… và chỉ nên dành 20 đến 30 phút mỗi lần và 2 đến 3 lần mỗi ngày tùy vào tình trạng của thị trường lúc đó. Và chỉ tập trung vào 2 điều sau:

  • Nếu không có gì hiển nhiên thì bỏ đi, nó không xứng đáng để bạn bỏ đồng tiền quý giá của mình vào thị trường.
  • Đừng làm điều gì ngu ngốc, về cơ bản nếu bạn càng nhìn màn hình nhiều thì càng có xu hướng làm những điều ngu ngốc với tiền của bạn. Bạn nên rành thời gian đó để làm những việc có ý nghĩa hơn với cuộc sống của bạn. Bạn nên quen với trạng thái này, trạng thái không giao dịch, chứ đừng nôn nóng và có ý nghĩ rằng giao dịch càng nhiều thì kiếm tiền càng nhiều càng nhanh.

Thiết lập

Giả sử nhé, sau khi tôi mở máy tính lên vào buổi sáng nếu có dấu hiệu làm tôi chú ý, đây là những gì tôi làm tiếp theo.

Tôi sẽ phân tích sâu hơn về thị trường xem dấu hiệu này có đáng để tôi mạo hiểm hay không, đây là những điều kiện tôi thường xem xét đến: Xu Hướng – Ngưỡng – Dấu Hiệu, tiếp đến tôi sẽ xem xét yếu tố rủi ro có thể và tỷ lệ lợi nhuận sẽ là bao nhiêu.

Như thế này có nghĩa là nếu A thì B, và nếu B thì C, bạn hãy để nó trở nên đơn giản.

Sau khi làm tất cả những việc trên (đã vào lệnh), tôi không ngồi đó và nhìn chằm chằm vào lệnh, bạn đừng bao giờ làm như thế. Hãy để cho nó yên, hãy để thị trường làm nốt công việc của nó và thoải mái đi làm công việc khác của bạn. Điều tôi muốn nói ở đây là:

“Đừng để lệnh giao dịch ảnh hưởng đến mình” và hãy nhớ “Dù bất kể bạn làm gì, đừng bao giờ kỳ vọng rằng bạn sẽ thắng ở mọi lệnh giao dịch, điều này là hoang đường và có phần…ngu ngốc. Kỳ vọng này chính là điểm bắt đầu cho những cảm xúc của bạn khởi động.”

Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng : “Chia sẻ này đơn giản thế, chẳng giống gì như là đang giao dịch cả”. Như tôi đã nói ngay ở phần mở đầu, giao dịch là một cái gì đó rất riêng tư, nó phù hợp với cá tính cũng như điều kiện sinh hoạt của bạn.

Bởi thế mà tôi chỉ nêu ra những điều mà cả tôi và bạn đều sẽ phải làm những phần khác câu trả lời đều nằm ở chính bạn, bạn phải tự mình làm và cảm nhận nó.

lời kết luận

Tổng Kết

Tôi không rõ những điều tôi viết ở trên có thực sự giúp ích được gì cho bạn hay không?, hãy nhớ rằng mỗi người chúng ta đều có một tính cách riêng biệt, một hoàn cảnh riêng biệt… thế nên phương pháp giao dịch cũng sẽ là riêng biệt và phù hợp với chỉ bản thân người đó.

Đừng bao giờ giao dịch mà không có kế hoạch, mọi nhà giao dịch đều cần phải học cách để xây dựng cho mình một phương pháp giao dịch phù hợp, trước khi bạn biết và hiểu mình đang làm gì.

Cảm ơn bạn đã đọc đến đây và chúc bạn thành công trên con đường trở thành một nhà giao dịch.



Đây là bài viết thứ tư: “Kế hoạch giao dịch” trong seri chia sẻ những kinh nghiệm, cảm nhận về trading của mình. Mong rằng những điều này sẽ giúp ích cho bạn.

Bạn có thể đọc thêm các bài viết khác ở đây 

DISCLAIMERS: Chúng tôi không xác nhận bất kỳ nội dung hoặc sản phẩm nào được đăng ở trong bài viết này. Chúng tôi hướng đến việc cung cấp cho bạn tất cả những thông tin quan trọng mà chúng tôi có thể có, độc giả nên tự nghiên cứu trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào có liên quan đến công ty hay một cá nhân. Việc đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của chính mình.

  • Doan Thanh viết:

    Cảm ơn Anh đã chia sẻ nha, chúc anh sức khỏe!

  • >
    Scroll to Top